![]() |
Bão số 6 gây chết người |
Bão số 6 đã gây mưa lớn, gió giật mạnh, làm một người thiệt mạng từ khi chưa đổ bộ vào đất liền
Trước tính chất phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền lúc ban đêm của cơn bão số 6, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh đã tổ chức nhiều biện pháp ứng phó kịp thời. ![]() Tuy chưa vào đất liền nhưng từ chiều 7-8, bão số 6 đã gây ra gió giật, sóng to tại Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC Di chuyển hàng chục ngàn dân, tàu thuyền Chiều 7-8, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết thành phố đã di chuyển khoảng 10.000 dân là người già, trẻ em ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Trong đó, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ đã phối hợp với địa phương vận động, cưỡng chế 164 lao động trên biển lên bờ tránh bão. Công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền trên biển, sơ tán dân ở các vùng xung yếu, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản; khu nhà cũ có nguy cơ đổ sập; an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, khu nuôi trồng thủy sản … đã được TP Hải Phòng hoàn thành cơ bản trước 15 giờ ngày 7-8. Trong khi đó, tại Quảng Ninh và Nam Định, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh cũng đã thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển đến nơi an toàn để tránh trú bão, hướng dẫn và yêu cầu lao động trên biển vào đất liền trước khi bão đổ bộ. Theo đó, toàn bộ hơn 11.000 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản tại tỉnh Quảng Ninh và huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã đến nơi tránh trú bão an toàn. Tại Thái Bình, UBND tỉnh cũng đã tập trung lực lượng phòng, chống và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn họ đến nơi trú bão an toàn, kêu gọi tất cả người dân sống trên các chòi nuôi ngao ngoài đê biển vào trong đất liền. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi mở tất cả các cống tiêu nước, đề phòng mưa lớn có thể gây ngập úng cây lúa và hoa màu; tổ chức lực lượng thường trực tại các đê, kè, cống xung yếu… để sẵn sàng xử lý khi sự cố xảy ra. Sáng 7-8, UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn gửi các ngành chức năng và chính quyền địa phương rà soát, triển khai phương án, sẵn sàng sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, sát mép nước khi có lệnh; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển đến nơi an toàn; triển khai ngay các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi.![]() Người dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đắp bao tải cát chắn sóng. Ảnh: TUẤN MINH Thiệt mạng do bất cẩn Tin từ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cho biết hồi 12 giờ 30 phút ngày 7-8, tại khu vực vịnh Cát Bà, tàu chở dầu HP 0501, trọng tải 100 tấn do ông Nguyễn Hoàng Sơn (ngụ xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) làm thuyền trưởng, đang trên đường đến nơi tránh bão đã gặp nạn. Tàu bị hỏng máy và trôi dạt trên biển. Nhận được tín hiệu cấp cứu khẩn cấp, lực lượng Bộ đội Biên phòng huyện Cát Bà đã điều động tàu BP 02-06-02 đến hiện trường cứu nạn. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu nạn phối hợp với thuyền trưởng đưa tàu và toàn bộ 4 thuyền viên tàu bị nạn vào bờ an toàn. Tối 7-8, ông Hoàng Đình Bình, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, cho biết khi gió mạnh cấp 7, cấp 8, nhiều người dân địa phương lại ra bãi biển Đồ Sơn để xem bão số 6 và chụp ảnh. Hậu quả, một thanh niên đã bị sóng biển cuốn mất tích. Tuy nhiên, công tác cứu hộ không thể triển khai do thời tiết nơi xảy ra tai nạn quá xấu. Vụ tai nạn xảy ra chiều 7-8, nạn nhân là anh Phạm Thanh Sơn (SN 1997, trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Anh Sơn cùng 2 người bạn đến Đồ Sơn chơi. Khi đến khu 1, thấy sóng to, anh Sơn nhảy xuống xem và chụp ảnh nhưng không may bị một ngọn sóng lớn chồm lên cuốn xuống biển. Một người bạn đi cùng kịp chạy thoát. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ chiều 7-8 đã có mưa lớn, gió giật mạnh. Tại các huyện như Vĩnh Lộc, Yên Định, Thường Xuân…, mưa lớn kéo dài. Quốc lộ 217 đoạn qua các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc nhiều nơi bị chìm trong nước. Trong khi đó, tại tỉnh Nam Định, khoảng 350 m đê kè đã bị sạt lở nghiêm trọng.
|